Với những ai thường xuyên nấu nướng thì chắc hẳn có nghe đến từ “nước mắm cốt”. Nhưng không phải ai cũng thật sự hiểu được nước mắm cốt là gì và tại sao nước mắm cốt lại mắc. Trong bài viết sau đây hãy cùng Blog Đời Sống tìm hiểu về loại nước mắm này nhé.
Nước mắm cốt là gì?
Nước mắm cốt là những giọt nước mắm đầu tiên được rút ra sau quá trình ủ chượp. Đây chính là loại nước mắm ngon nhất và tinh túy nhất trong thùng ủ chượp nên có độ đạm rất cao.
Những giá trị mà nước mắm cốt mang lại
Nước mắm cốt chứa nhiều giá trị dinh dưỡng từ cá cơm nên nước mắm cốt rất tốt cho sức khỏe. Cụ thể, trong nước mắm cốt có chứa hàm lượng lớn protein, các loại vitamin, khoáng chất và omega-3. Vì trong quá trình ủ chượp, cá sẽ bị lên men, các protein của cá sẽ bị chia nhỏ thành acid amin nên cũng sẽ tốt cho hệ tiêu hóa.
Chúng ta có thể dùng nước mắm cốt để ăn cùng với thịt luộc, rau củ quả luộc, cá hấp hoặc làm các món kho,… Bạn có thể sử dụng nước mắm cốt nguyên chất không cần pha chế gì để giữ được hương vị tinh khiết, thơm ngon đậm đà của nước mắm. Hoặc sử dụng nước mắm cốt hòa với các loại gia vị như hành, tỏi, tiêu,… sẽ giúp làm tăng hương vị của món ăn hơn so với các loại nước mắm thường.
Ngoài ra, với những đầu bếp lâu năm, họ còn phải tìm “mối” cung cấp nước mắm cốt để duy trì “danh tiếng” của mình. Dùng nước mắm cốt để ướp thịt, ướp cá sẽ làm cho thịt săn hơn, tạo được vị ngọt dịu và giữ được sự tươi ngon của thực phẩm.
Xem thêm:
- Nước mắm nhĩ là gì? Ưu, nhược điểm, quy trình làm nước mắm
- Chia sẻ quy trình sản xuất nước mắm truyền thống chi tiết
Vì sao nước mắm cốt lại mắc?
Nước mắm cốt thường rất đắt và hiếm được bày bán trên thị trường. Vì từ mỗi thùng ủ chượp chỉ rút được duy nhất 1 mẻ nước mắm cốt nên số lượng rất hạn chế. Do đó mà giá của chúng luôn cao hơn những dòng nước mắm khác.
Quy trình chế biến nước mắm cốt
Nước mắm cốt được tạo ra sau một quá trình dài, kể từ khi chuẩn bị nguyên liệu cho đến bước ủ chượp. Cá sau khi đánh bắt về sẽ được làm sạch và ướp muối ngay trên tàu ngoài khơi để giữ được sự tươi ngon của cá.
Khi tàu cập bến, hỗn hợp cá và muối sẽ được chuyển vào các thùng ủ được làm bằng gỗ hoặc chum vại (tùy theo vùng miền). Thợ làm mắm sẽ tiến hành ủ chượp theo phương pháp gài nén. Sau khoảng 9 – 15 tháng sẽ cho ra thành phẩm nước mắm. Thợ làm mắm sẽ tiến hành đợt kéo rút đầu tiên đó chính là nước mắm cốt, mẻ nước mắm ngon nhất.
Để rút ra được mẻ nước mắm cốt ngon nhất, thợ làm mắm lành nghề sẽ có kỹ thuật rút liên thùng chứ không phải rút từ thùng gỗ đơn lẻ. Kỹ thuật kéo rút liên thùng đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ của người làm mắm. Thời gian kéo rút cũng rất lâu, thường kéo dài hàng tuần lễ hoặc có khi là 1 tháng.
Có chứng kiến từng công đoạn làm mắm thì mới thấy được sự chắt chiu, kỳ công và tâm huyết của người làm ra những giọt mật tinh túy mà biển mẹ ban cho.
Vậy là Blog Đời Sống đã chia sẻ với bạn những thông tin để giúp bạn hiểu hơn về nước mắm cốt. Nước mắm cốt nói riêng và nước mắm nói chung là món quà vô giá mà mẹ thiên nhiên ban tặng cho nền ẩm thực Việt Nam. Không chỉ mang lại giá trị thơm ngon cho món ăn mà còn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe.
Tham khảo: